Vì sao nhà đầu tư khó “lướt sóng” bất động sản lúc này?

Thị trường BĐS dù đã có dấu hiệu hồi phục sau dịch, nhưng kết quả kinh doanh chưa mấy khởi sắc, tâm lý nhà đầu tư còn e dè. Hoạt động đầu tư lướt sóng không còn là cuộc chơi “hái ra tiền” của giới đầu tư.

Vì sao nhà đầu tư khó “lướt sóng” bất động sản lúc này?

Nhiều người gom tiền phòng bất trắc

Đây được xem là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hoạt động mua bán, đầu tư lướt sóng khó diễn ra. Nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS đang chịu tác động kép từ dịch bệnh lẫn pháp lý kéo dài.

Khảo sát của một số đơn vị môi giới BĐS, cho thấy khoảng 1/3 số lượng NĐT cá nhân không còn mặn mà với việc đầu cơ lướt sóng ở các dự án căn hộ, đất nền. Nhiều người chấp nhận giảm lợi nhuận để đẩy hàng nhanh hơn. Chính tâm lý ngại rủi ro đã tác động rõ nét đến hoạt động đầu tư trên thị trường BĐS ở thời điểm này.

Vì sao nhà đầu tư khó “lướt sóng” bất động sản lúc này?

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS hiện đang chững lại rõ nét do quá nhiều khó khăn ập đến cùng lúc. Việc các NĐT e ngại rủi ro nên vội vàng thu hồi dòng tiền là điều tất yếu. Mặt khác, nhiều người cũng có xu hướng giữ tiền mặt để dự phòng khi bất trắc. Họ không kì vọng lợi nhuận vào việc lướt sóng BĐS, thậm chí còn chưa muốn "xuống tiền" mua lúc này mặc dù có vốn nhàn rỗi.

Nhà đầu tư gặp khó "lướt sóng" BĐS

Những năm trước, nhiều NĐT tham gia lướt sóng đất nền, chung cư và nhận về lợi nhuận khá tốt trong vòng 6-9 tháng, thậm chí khoảng 3-4 tháng. Thế nhưng, hiện nay việc vào thị trường trong khoảng thời gian ngắn với dòng vốn ban đầu vài trăm triệu đồng không còn là bài toán khả thi.

Đại diện phòng kinh doanh của một công ty BĐS trên địa bàn Dĩ An, Bình Dương cho hay, hiện tại lướt sóng căn hộ không thể nói trước được điều gì vì còn phụ thuộc vào tình hình thị trường nói chung. Việc kì vọng lợi nhuận lướt sóng ở thời điểm này sẽ không thể bằng các giai đoạn trước. Do đó, NĐT có nguồn vốn mỏng cần xem xét kỹ trước khi tham gia vào thị trường với ý định lướt sóng ngắn hạn.

Trước đây, nếu dự án thuận lợi về tiến độ xây dựng và mọi vấn đề pháp lý đều ổn thỏa, một NĐT có thể thu về khoản tiền chênh lệch từ 50 triệu đến 300 triệu đồng khi lướt sóng căn hộ, đất nền trong khoảng thời gian ngắn.

Vì sao nhà đầu tư khó “lướt sóng” bất động sản lúc này?

Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa năm 2019, việc đầu cơ lướt sóng ở các dự án căn hộ trên địa bàn Tp.HCM đã không còn mang lại mức lợi nhuận như mong muốn. Hàng trăm dự án bị đứng bánh do nhiều nguyên nhân như vướng đất công, lùm xùm pháp lý, chủ đầu tư thiếu tiềm lực về tài chính.

Hàng nghìn NĐT bị chôn vốn nhiều năm liền do trót ký hợp đồng giữ chỗ với giá trị cao nhưng dự án cứ mãi "giậm chân tại chỗ". Thậm chí, nhiều dự án khi khách hàng căng băng rôn đòi tiền thì CĐT tìm cách né tránh hoặc bổ sung nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng trong hợp đồng thanh lý. Từ những rắc rối trên, niềm tin của NĐT vào các dự án căn hộ cũng mất dần.

Với phân khúc đất nền cũng diễn ra tương tự, nhiều lùm xùm pháp lý, dự án "ma" tràn lan đã khiến NĐT vào thị trường một cách thận trọng, không còn chuyện mua bán ồ ạt như trước dẫn đến việc lướt sóng kiếm lời của giới đầu tư ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh chuyện pháp lý thì năm 2020 những khó khăn khi đại dịch Covid-19 ập đến khiến cho lượng giao dịch giảm mạnh. Theo các chuyên gia, xu hướng của người dân giờ đây là tích trữ dòng tiền của họ để dự phòng nếu dịch bệnh kéo dài thay vì mua nhà. Trong khi đó, việc phân bổ dòng tiền của các NĐT cũng trở nên chậm rãi hơn, chắc chắn hơn và không còn ồ ạt như trước. Hoạt động đầu tư lướt sóng dường như "im ắng" hẳn. Ngay cả khi NĐT khi mua sản phẩm hơn 1 năm cũng khó ra được hàng trong bối cảnh hiện nay.

Lợi nhuận không đáng kể

Chính thị trường gặp khó khăn nên mức lợi nhuận NĐT đạt được không còn dễ dàng như trước. Hiện nay, đầu tư vào căn hộ hay đất nền kì vọng mức lợi nhuận vài trăm triệu đồng trong vòng 1 năm dường như rất khó, chỉ rơi cá biệt vào một vài dự án giá còn hợp lý, phù hợp sức mua của số đông khách hàng.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DKRA Vietnam từng cho rằng, dù khó khăn bởi dịch bệnh nhưng thị trường BĐS hiện nay vẫn còn cơ hội cho các NĐT. Tuy nhiên, ở thời điểm này không phải cuộc chơi của những nhà đầu tư "lướt sóng".

Mà quan điểm đầu tư ở giai đoạn hiện nay là phải có chiến lược đầu tư mang tính chất trung và dài hạn, lựa chọn sản phẩm chất lượng của những nhà phát triển có uy tín, có bề dày kinh nghiệm, có sản phẩm đối chứng. Trong đó, NĐT nên đầu tư ở các thị trường có nhiều lợi thế phát triển ổn định. Tránh tình trạng đầu tư vào các loại hình sản phẩm giá rẻ, không an toàn, thiếu tính bền vững.

Vì sao nhà đầu tư khó “lướt sóng” bất động sản lúc này?

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, trong giai đoạn hiện nay cơ hội đầu tư ngắn hạn không còn do tính thanh khoản giảm, dòng tiền đang lưu thông chậm và giảm mạnh. Đầu tư ngắn hạn thường chỉ mang yếu tố thời điểm khi thị trường sôi động hay có các yếu tố kích hoạt bất ngờ như công bố quy hoạch mới, mở đường hay khởi động các dự án trọng điểm.

Khi thị trường trầm lắng sẽ sàng lọc mạnh nhà đầu tư. Nhà đầu tư ngắn hạn thường vốn yếu, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ sớm rời thị trường. Còn lại các nhà đầu tư dài hạn, có nguồn lực tốt họ sẽ lựa chọn các sản phẩm tốt và chờ đợi đến khi thị trường khởi sắc trở lại. Cũng theo bà Hương, trong bối cảnh này, điểm lưu ý đối với cả NĐT và người mua ở thực là không nên dùng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ quá cao. Tỷ lệ vốn tự có khoảng 50% giá trị tài sản là con số khá an toàn khi khả năng cao là người mua phải đối diện với một vài giai đoạn khó khăn trong suốt thời hạn vay thường từ 10 - 20 năm.

► Dự án Khu đô thi mới Phú Mỹ - Vì sao nên đầu tư?

Hạ Vy

Theo Tổ Quốc

    Đối tác của chúng tôi